Tàn dư Khởi_nghĩa_Khăn_Vàng

Uyển Thành

Lực lượng tàn dư của Khăn Vàng còn khá mạnh. Trương Man Thành khởi binh tại Nam Dương, tự xưng là Thần thượng sứ, có vài vạn quân, đánh phá quận giết chết Thái thú Chử Cống, chiếm lĩnh Uyển Thành.[15] Thái thú mới quận Nam Dương là Tần Hiệt mang quân tới giao phong chém chết Trương Man Thành.

Thủ hạ của Man Thành là Triệu Hoằng được tôn làm tướng, tập hợp được vài vạn quân. Các tướng nhà Hán là Chu Tuấn cùng Thứ sử Kinh châu là Từ Cù và Thái thú Nam Dương là Tần Hiệt hợp binh được 18.000 người cùng tấn công Triệu Hoằng. Ba tướng vây đánh từ tháng 6 đến tháng 8 năm 185, cuối cùng Chu Tuấn công phá được Uyển Thành, giết chết Triệu Hoằng.

Quân Khăn Vàng lại tôn Hàn Trung làm tướng, tái chiếm Uyển Thành. Quân Hán ít hơn, Chu Tuấn bèn cho mở vòng vây, cắm doanh trại và dựng núi đất đối diện với thành. Ông cho quân làm nghi binh giả cách muốn đánh mặt nam, quân Khăn Vàng dồn quân ra ứng chiến. Chu Tuấn tự mình lĩnh 5000 tinh binh tấn công phía đông bắc. Quân Hán hăng hái trèo lên mặt thành đánh vào trong. Hàn Trung vội bỏ chạy vào trong Tiểu thành cố thủ, sau đó liệu thế không chống được bèn sai người ra cầu xin đầu hàng.

Các tướng định cho Hàn Trung đầu hàng. Chu Tuấn không nghe, cho rằng làm như vậy là dung túng cho kẻ làm loạn khiến loạn lạc không dứt[16] và thúc quân công phá nhưng liên tiếp mấy tháng không hạ được. Sau khi suy nghĩ, Chu Tuấn hiểu ra rằng Hàn Trung bị dồn đường cùng nên liều chết kháng cự; vì vậy ông dự định cởi bỏ vòng vây cho Hàn Trung chạy ra rồi sẽ truy kích.

Hàn Trung thấy vòng vây được mở, bèn mang quân ra ngoài. Chu Tuấn thừa cơ tấn công, đại phá quân Khăn Vàng, truy kích hơn 10 dặm, giết hơn 1 vạn người.[17] Hàn Trung không chống cự được đành phải đầu hàng, bị Tần Hiệt giết chết.

Những người còn lại của Khăn Vàng lại tập hợp tôn Tôn Hạ làm chủ, lại chiếm đóng Uyển Thành. Chu Tuấn tấn công lần thứ 3, hạ được thành. Tôn Hạ bỏ chạy, Chu Tuấn lại truy kích giết hơn 1 vạn người nữa. Quân Khăn Vàng tan vỡ chạy tứ tán.

Ích châu

Sang năm 186, quân Khăn Vàng vẫn không chấm dứt hoạt động, nông dân tại các vùng bị bóc lột nặng nề vẫn nổi lên theo các tướng Khăn Vàng chống triều đình, tập hợp từng nhóm nhỏ thì 6000-7000 người, nhiều thì 2-3 vạn người.[17]

Tại Ích châu, Thứ sử Khước Kiệm áp dụng chính sách thuế khoá hà khắc khiến người dân bất mãn, tàn dư quân Khăn Vàng đánh phá nhiều nơi. Tướng Khăn Vàng là Mã Tương, Triệu Chi lấy thành Miên Trúc làm căn cứ, thu phục được khá nhiều dân chúng, dần dần có 1 vạn người. Quân Khăn Vàng giết chết tướng nhà Hán là Lý Thăng và đánh phá Lạc huyện. Sau đó thứ sử Khước Kiệm ra giao chiến cũng bị tử trận. Quân Khăn Vàng đánh phá các quận Quảng Hán, Kiện Vi.

Lưu Yên được bổ nhiệm làm Ích châu mục, đến nhiệm sở bèn thực hiện chính sách khoan dung, vỗ về dân chúng và tranh thủ sự ủng hộ của các quý tộc địa phương.

Nghe quận Kiện Vi cấp báo, Lưu Yên sai Tùng sự Ích châu là Giả Long ra kháng cự, ngăn chặn được Mã Tương lấn ra xung quanh. Sau đó Lưu Yên tự mình dẫn quân chủ lực ra trận, giết chết Mã Tương, lấy lại thành Miên Trúc, dẹp yên được quân Khăn Vàng ở Ích châu.

Hắc Sơn – Thanh châu

Sau khi Trương Ngưu Giác tử trận, thủ hạ là Chử Phi Yến kế tục làm đầu mục, đổi họ tên là Trương Yên, tự tập hợp được vài chục vạn quân. Quân Trương Yên là mạnh nhất trong các lực lượng tàn dư Khăn Vàng. Trương Yên chiếm cứ Hắc Sơn, có hàng chục vạn người đi theo, nhà Hán không thể chế ngự được.[17]

Năm 191, cánh quân Khăn Vàng ở Thanh châu có 30 vạn người tiến vào quận Bột Hải, định liên hợp với quân của Trương Yên ở Hắc Sơn. Sứ quân ở Bình Nguyên là Công Tôn Toản mang 2 vạn quân đón đánh ở Đông Quang.[18] Quân Khăn Vàng bị thua lớn, thiệt hại 3 vạn người, phải bỏ lại xe cộ và lương thực trốn sang sông. Công Tôn Toản nhân lúc quân Khăn Vàng sang nửa chừng bèn thúc quân truy sát, dìm chết vài vạn quân Khăn Vàng nữa. Có 7 vạn quân đầu hàng Công Tôn Toản.[19]

Cùng năm, nhân lúc quân Hắc Sơn không liên kết được với quân Thanh châu, quân phiệt Tào Tháo mang quân đánh nhau với quân Khăn Vàng tại Hắc Sơn. Quân khởi nghĩa tuy đông nhưng ô hợp, bị Tào Tháo dùng kế đánh bại.

Dù bại trận song lực lượng Khăn Vàng còn mạnh. Quân Khăn Vàng chiếm lĩnh Đông quận.[20] Năm 192, quân khởi nghĩa tổ chức phản công. Tào Tháo dùng số quân nhỏ cố thủ ở phía đông Vũ Dương, tự mình mang quân chủ lực tập kích căn cứ Đông quận của địch, chiếm được thành.

Không lâu sau, cánh quân Khăn Vàng từ Thanh châu lại mạnh, tổ chức tấn công Duyện Châu, giết chết thứ sử Lưu Đại. Theo lời đề nghị của Bão Tín, Tào Tháo mang quân đến cứu Duyện châu. Ông cùng quân Khăn Vàng quyết chiến tại Thọ Dương.[21] Bão Tín giao chiến bị tử trận. Tào Tháo mang 1000 quân tập kích doanh trại địch nhưng quân Khăn Vàng đã đề phòng khiến ông suýt bị bắt sống.

Thấy không thể dùng chiến thuật đánh nhanh, Tào Tháo đổi hướng, đánh chắc từng phần. Ông áp dụng chiến thuật tiêu hao từng bước, quân Khăn Vàng phải lùi dần. Sau cùng, Tào Tháo dồn quân Khăn Vàng vào Tế Bắc[22] và bao vây. Khi đó phía sau lưng quân Khăn Vàng là Thanh châu và Ký châu do Viên Thiệu chiếm giữ. Sau một thời gian, quân Khăn Vàng bị tuyệt lương, không còn đường chạy nên phải đầu hàng. Tào Tháo thu hàng 30 vạn người, từ đó trở thành lực lượng hùng hậu. Việc thu phục chứ không tàn sát quân Khăn Vàng của Tào Tháo khiến ông được đánh giá cao hơn Hoàng Phủ Tung trong việc dẹp yên lực lượng này.[23]

Tháng 3 năm 193, quân Khăn Vàng ở Hắc Sơn do Trương Yên và Can Độc cầm đầu liên kết với binh chúng nổi dậy ở Ngụy quận (Ký châu) cùng đánh chiếm Nghiệp Thành,[24] giết chết Thái thú. Vùng đất thuộc quyền sứ quân Viên Thiệu quản lý. Tháng 6 năm đó, Viên Thiệu ra quân đánh vào khe Thương Nhan, núi Cự Tràng, Triều Ca. Sau 5 ngày giao chiến, Can Độc và hơn 1 vạn thủ hạ bị quân Viên Thiệu giết chết.

Viên Thiệu men theo núi tiến quân, lần lượt đánh phá các cánh quân của Trương Bát, Lưu Thạch, Thành Ngưu Giác, Hoàng Long, Quách Đại Hiền, Lý Đại Mục, Vu Đê Căn. Hàng vạn quân Khăn Vàng bị giết, các doanh trại bị Viên Thiệu san bằng.[25]

Lúc đó Lã Bố đang nương nhờ Viên Thiệu, được sai mang quân sang Thường Sơn giao tranh với Trương Yên. Lã Bố cưỡi ngựa Xích thố, mỗi ngày cùng vài chục thủ hạ xông thẳng vào trại địch ba bốn lần. Sau hơn 20 ngày, quân Trương Yên thua tan tác. Trương Yên rút về cố thủ, sau đó nản lòng, cuối cùng nhận sự chiêu an của triều đình, được phong làm Bình nam trung lang tướng, coi việc quân ở Hà Bắc.

Về sau Trương Yên lại cất quân chống triều đình. Triều đình bổ nhiệm Chu Tuấn làm Thái thú Hà Nội, mang quân đánh bại được Trương Yên.

Trương Yên vẫn không hoàn toàn chịu thần phục, sau này lại chiếm cứ Hắc Sơn, thanh thế có hàng chục vạn quân. Năm 199, sứ quân Công Tôn Toản giao tranh với Viên Thiệu bị vây tại Dịch Kinh, bèn sai em là Công Tôn Tục sang Hắc Sơn cầu cứu Trương Yên. Trương Yên nhận lời, dẫn 10 vạn quân chia làm 3 đường đi cứu Công Tôn Toản. Quân cứu viện sắp đến, hẹn Công Tôn Toản đến giờ đốt lửa làm hiệu sẽ cùng giáp công trong ngoài. Nhưng thư bị Viên Thiệu bắt được. Thiệu bèn đốt lửa lừa Công Tôn Toản ra quân rồi phục binh đánh giết. Công Tôn Toản thất bại tự sát. Trương Yên thấy vậy lui binh.

Sau trận Quan Độ (200), thế lực quân phiệt Tào Tháo ngày càng hùng mạnh, Viên Thiệu suy yếu đi nhiều. Viên Thiệu chết (202), các con là Viên Đàm và Viên Thượng tranh quyền. Năm 204, khi Tào Tháo mang quân đánh các con Viên Thiệu là Viên ĐàmViên Thượng, Trương Yên ở Hắc Sơn sai sứ đến liên lạc với Tào Tháo tỏ ý quy phục, được phong làm Bình bắc tướng quân.

Mùa hè năm 205, thế lực anh em họ Viên ngày càng suy kiệt, Trương Yên chính thức đầu hàng Tào Tháo, được phong làm An Quốc đình hầu. Hoạt động của quân Khăn Vàng từ khi Trương Giác phát động chỉ trong vài tháng, nhưng những người đi sau duy trì thêm hơn 20 năm nữa.[7]